BẢN TIN XÂY DỰNG MÔ HÌNH
NUÔI ONG THÙNG KẾ DỰ ÁN KHUYẾN NÔNG TRUNG ƯƠNG NĂM 2021
TÌNH HÌNH CHUNG
Năm 2021 thị trường xuất khẩu mật ong Việt Nam vào Hoa Kỳ (thị trường xuất khẩu mật ong lớn nhất của Việt Nam) có nhiều biến động do ảnh hưởng của vụ kiện bán phá giá mật ong của Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội Mật ong Sioux. Tháng 4 năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (United States Department of Commerce – DOC) đã tiếp nhận hồ sơ vụ kiện 5 nước bán phá giá mật ong gồm: Việt Nam, Brazil, Ấn Độ, Ukraine và Argentina. Thời kỳ điều tra bán phá giá đề xuất từ ngày 1/10/2020 đến ngày 31/3/2021 và thời kỳ điều tra thiệt hại tính từ ngày 1/1/2018. Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đã xem xét đơn kiện của nguyên đơn để đưa ra kết luận về đánh giá mức độ thiệt hại cho ngành ong tại Mỹ trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận đơn.
Ngày 23/11/2021 Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã ra quyết định sơ bộ về vụ kiện bán phá giá mật ong. Theo đó mức thuế áp cho mật ong Việt Nam là 412%; Ấn độ 6%; Ukraina 32%. Cũng từ ngày 23/11/2021, các nước bị kiện muốn nhập khẩu mật ong vào Mỹ phải đóng tiền thế chân theo mức sơ bộ trên. Các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam khó có thể đóng khoản tiền lên tới 412%. Trách nhiệm đóng tiền thế chân thuộc về các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ, và chắc chắn họ sẽ nhập khẩu mật của Ấn Độ vì chỉ phải đóng có 6%.
Khi xuất khẩu mật ong sang thị trường Mỹ gặp nhiều khó khăn như hiện nay, sử dụng ong chúa đã qua chọn lọc, kết hợp với kỹ thuật nuôi ong thùng kế theo hướng VietGAHP là xu hướng tất yếu. Do đó,cần đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến cáo người nuôi ong thay đổi phương thức nuôi ong thùng đơn sang nuôi ong khai thác mật ong trên tầng kế. Các sản phẩm ong nói chung và mật ong thu được từ đàn ong nuôi trong thùng kế có chất lượng cao, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường mật ong quốc tế cũng như tiêu dùng nội địa. Nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá bán mật ong và tìm kiếm các thị trường mới là cơ hội lớn cho đầu ra của mật ong Việt Nam.
KẾT QUẢ XÂY DỰNG MÔ HÌNH
Với những kết quả đạt được của dự án từ năm 2020, trong năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu Ong và Nuôi ong Nhiệt đới tiếp tục phối hợp với các đơn địa phương xây dựng 03 mô hình/03 điểm trình diễn, quy mô 315 đàn ong ngoại khai thác mật trên thùng kế tại tỉnh Sơn La, Bắc Giang và Nghệ An. Tính đến thời điểm hiện tại năng suất các sản phẩm của đàn ong tại các mô hình ở các tỉnh như sau:
– Mô hình tại tỉnh Sơn La: Cơ sở nuôi ong Nguyễn Đăng Thơ xây dựng mô hình, địa chỉ tại số 213 tiểu khu Bệnh Viện, thị trấn Nông trường Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đến thời điểm báo cáo đã thu được mật ong keo tai tượng và mật ong hoa đơn buốt ở thùng kế. Năng suất mật 38 kg/đàn đạt 100% chỉ tiêu đăng ký, phấn hoa 0,33 kg/đàn, đạt 111% chỉ tiêu đăng ký. Cơ sở nuôi ong đã chuyển điểm ong đến xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn. Hiện tại Cơ sở tiếp tục thu mật hoa đơn buốt và hoa cỏ Lào.
– Mô hình tại tỉnh Bắc Giang: Cơ sở nuôi ong Hoàng Anh Sáng xây dựng mô hình, địa chỉ tại TDP Trung Nghĩa, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Đến thời điểm báo cáo đã thu được mật ong keo tai tượng và mật rừng ở thùng kế, năng suất mật 28,5 kg/đàn, đạt 75 % chỉ tiêu đăng ký. Năng suất phấn hoa 0,3 kg/đàn, đạt 95% chỉ tiêu đăng ký.
– Mô hình tại tỉnh Nghệ An: Cơ sở nuôi ong Võ Viết Hồng, địa chỉ: Khối Dốc Cao, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hoà, tỉnh Nghệ An. Đến thời điểm báo cáo đã thu được mật ong keo và mật ong cà phê ở thùng kế. Năng suất mật 32 kg/đàn, đạt 84,2% chỉ tiêu đăng ký, phấn hoa 0,31 kg/đàn đạt 100% chỉ tiêu đăng ký. Cơ sở đã được tư vấn trước đánh giá VietGAHP và Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert cấp giấy chứng nhận VietGAHP lần đầu ngày 21 tháng 12 năm 2021. Hiện tại trại ong của mô hình đã chuyển điểm vào tỉnh Gia Lai và đang thu mật Cà phê, mật bông trắng (cỏ Lào). Hiện tại ở miền Bắc sắp kết thúc vụ mật đông chí và chuẩn bị đàn ong qua đông, miền Nam sẽ thu mật cà phê, cao su cho tới tháng 3 năm sau. Các cơ sở nuôi ong đặt trại ong ở các vùng miền khác nhau, tiếp tục theo dõi các chỉ tiêu kinh tế để tổng hợp báo cáo đơn vị phối hợp và đơn vị chủ trì.
TS. TRẦN VĂN TOÀN