Không sử dụng
Tin xây dựng mô hình nuôi ong trong thùng kế tại Sơn La – Nghệ An năm 2020
BẢN TIN XÂY DỤNG MÔ HÌNH
NUÔI ONG THÙNG KẾ TẠI SƠN LA VÀ NGHỆ AN
Với sản lượng mật ong xuất khẩu trên 44.000 tấn/năm, Việt Nam đứng trong tốp 5 các nước xuất khẩu mật ong trên thế giới. Trong hai năm 2014 và 2016, Việt Nam là nước có sản lượng mật ong xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ (Cục chăn nuôi 2014, Flottum, 2017). Kim ngạch xuất khẩu mật ong mỗi năm đạt hàng trăm triệu đô la Mỹ góp phần tạo sinh kế bền vững và thu nhập ổn định cho hàng vạn người nuôi ong trong cả nước. Tuy nhiên, một thách thức đang đặt ra cho phát triển nghề nuôi ong ở nước ta đó là yêu cầu về chất lượng mật ong không chỉ riêng thị trường nhập khẩu quốc tế mà ngay cả thị trường tiêu dùng nội địa cũng ngày càng khắt khe hơn. Bên cạnh đó nhu cầu về sản lượng mật ong của thị trường thế giới cũng có tác động lớn đến xuất khẩu mật ong của Việt Nam. Theo Tiến sỹ Đinh Quyêt Tâm (2018) trong 2 năm, 2017 và 2018, khi thị trường thế giới bão hòa, lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Một bất cập khác đó là về phương thức sản xuất ngành ong Việt Nam hiện nay hầu hết là nuôi và khai thác mật ong ở thùng đơn (loại thùng một tầng, không có kế) với cả hai loài ong mật, A. cerana) và A. mellifera). Loại thùng này có nhược điểm là vùng sinh sản và dự trữ mật trên cùng bánh tổ vì vậy khi khai thác mật không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động nuôi dưỡng, ủ ấm ấu trùng của ong thợ và hoạt động đẻ trứng của ong chúa mà còn ảnh hưởng tới chất lượng mật do trong quá trình ly tâm, mật ong có lẫn cả xác ấu trùng. Ở các nước châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á, loài ong mật A. mellifera được nuôi và khai thác mật ở thùng kế. Ưu điểm của loại thùng này là vùng sinh sản và dự trữ mật tách biệt nhờ lưới ngăn chúa ở giữa. Khi khai thác mật người nuôi ong chỉ cần nhấc toàn bộ tấng kế hoặc từng cầu mật, rũ và thổi sạch ong bám trên cầu giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động của đàn ong. Đồng thời, loại thùng này có thể mở rộng không gian nhờ đặt tiếp các tầng kế phía trên, nên tận dụng được tối đa sức phát triển của đàn ong.
Ngoài ra, theo tuyên bố của Hội nuôi ong quốc tế APIMONDIA vào tháng 01 năm 2019, mật ong thu ở thùng đơn (loại thùng một tầng, không có kế), và mật ở những lỗ tổ chưa vít nắp không đảm bảo chất lượng. Theo phân tích của APIMONDIA (2019) mật ong phải được sản xuất theo đúng quá trình tự nhiên bởi con ong. Mật ong là sản phẩm đặc biệt, bởi chính quá trình sản xuất và các thành phần của nó. Nước, cũng như các đường khử glucose, fructose, protein, các chất hữu cơ khác chắc chắn được coi là thành phần đặc biệt của mật ong không thể loại bỏ (APIMONDIA, 2019). Nuôi ong trong thùng kế có nhiều ưu điểm như nâng cao chất lượng mật ong, giảm công lao động, đặc biệt khi an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành vấn đề toàn cầu và Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới. Nêu không thay đổi phương thức nuôi ong, nghề nuôi ong của Việt Nam sẽ tụt hậu so với ngay cả các nước trong khu vực và sản phẩm mật ong của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Với sản lượng mật ước tính lên tới 70-80 nghìn tấn mỗi năm, tạo việc làm cho hàng vạn người nuôi ong. Nếu không đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, đặc biệt là mở rộng xuất khẩu mật ong ra nước ngoài, nghề nuôi ong của nước ta sẽ không thể phát triển bởi vì có tới gần 90% lượng mật sản xuất ra đươc xuất khẩu. Như vậy, một nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn bị lãng phí không được khai thác, do mật hoa hay dịch ngọt của cây (nguyên liệu để con ong chế biến thành mật ong) sẽ bị rửa trôi.
Trong bối cảnh đó Dự án: “Xây dựng mô hình nuôi ong ngoại khai thác mật trên thùng kế theo hướng VietGAHP” đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt theo Quyết đinh số 924/QĐ-BNN-KHCN ngày 17 tháng 03 năm 2020.
Trong năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong Nhiệt đới đã chủ trì và phối hợp thực hiện dự án tại tỉnh Sơn La và Nghệ An. Tính đến thời điểm hiện tại cho thấy các mô hình đã thu được hiệu quả bước đầu khi áp dụng kỹ thuật nuôi ong ngoại khai thác mật ong ở thùng kế.